Bài 25: Thường biến


A. TÓM TẮT LÍ THUYẾT

I. SỰ BIẾN ĐỔI CỦA KIỂU HÌNH DO TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG: 

- Thường biến: là những biến đổi ở kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường. 

- Ví dụ: Sự thay đổi kiểu hình của cây rau mác, cây dừa nước, cây su hào với những điều kiện môi trường khác nhau.

→ Sự biểu hiện ra kiểu hình bên ngoài của một cơ thể phụ thuộc vào kiểu gen và môi trường. Trong đó, kiểu gen là yếu tố không thay đổi, còn môi trường thay đổi. 

- Đặc điểm của thường biến: 

+ Biểu hiện đồng loạt theo hướng xác định. 

+ Không di truyền được. 

- Vai trò: giúp sinh vật thích nghi được với sự thay đổi nhất thời hoặc có chu kì của môi trường. 


II. MỐI QUAN HỆ GIỮA KIỂU GEN, MÔI TRƯỜNG VÀ KIỂU HÌNH: 

- Nghiên cứu thường biến cho thấy, bố mẹ không truyền cho con những tính trạng (kiểu hình) đã được hình thành sẵn mà truyền cho con kiểu gen quy định cách phản ứng của kiểu hình đó trước môi trường. 

- Kiểu hình: là kết quả sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường. 

- Tính trạng chất lượng: phụ thuộc chủ yêu vào kiểu gen, ít chịu ảnh hưởng của môi trường. Ví dụ: giống lúa nếp cẩm trồng ở vùng núi hay đồng bằng đều cho hạt bầu tròn và màu đỏ. 

- Tính trạng số lượng (phải thông qua cân, đo, đong, đếm,... mới xác định được): thường chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện môi trường tự nhiên hoặc điều kiện trồng trọt và chăn nuôi nên rất khác nhau. Ví dụ: lượng sữa vắt được trong 1 ngày của 1 giống bò phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc. 


III. MỨC PHẢN ỨNG: 

- Mức phản ứng: là giới hạn thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ 1 gen hay 1 nhóm gen) trước môi trường khác nhau. 

+ Tính trạng chất lượng: có mức phản ứng hẹp.

+ Tính trạng số lượng: có mức phản ứng rộng. 

- Ví dụ: Ở cây hoa liên hình (Primula sinensis), màu sắc hoa được quy định bởi một cặp gen. 

+ Cây hoa màu đỏ thuần chủng (kiểu gen RR) trồng ở nhiệt độ 35°C cho hoa màu trắng, đời sau của cây hoa màu trắng này trồng ở 20°C thì lại cho hoa màu đỏ; 

+ Còn cây hoa màu trắng thuần chủng (rr) trồng ở nhiệt độ 35°C hay 20°C đều cho hoa màu trắng.


B. CÂU HỎI THẢO LUẬN

Bài 25 trang 72: Quan sát hình 25 và tìm hiểu 2 ví dụ dưới đây. Từ những quan sát được và từ các tư liệu trên, hãy trả lời các câu hỏi sau: 

- Sự biểu hiện ra ngoài kiểu hình của một một kiểu gen phụ thuộc vào những yếu tố nào? Trong các yếu tố ấy, yếu tố nào được xem như là không biến đổi? 

- Thường biến là gì? 

Trả lời: 

- Sự biểu hiện ra kiểu hình của một kiểu gen phụ thuộc vào cả kiểu gen và môi trường. Trong các yếu tố đó, yếu tố kiểu gen xem như không biến đổi. 

- Thường biến là những biến đổi kiểu hình, phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường. 


Bài 25 trang 73: Hãy trả lời các câu hỏi sau: 

- Giới hạn năng suất của giống lúa DR2 do giống hay do kĩ thuật trồng trọt quy định? 

- Mức phản ứng là gì? 

Trả lời: 

- Giới hạn năng suất của giống lúa DR2 do giống qui định. 

- Mức phản ứng là giới hạn thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ một kiểu gen hay nhóm gen) trước môi trường khác nhau. Mức phản ứng do kiểu gen quy định.


C. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Bài 1 (trang 73 sgk Sinh học 9): Thường biến là gì? Phân biệt thường biến với đột biến. 

Lời giải: 

Thường biến là những biến đổi ở kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.


Bài 2 (trang 73 sgk Sinh học 9): Mức phản ứng là gì? Cho ví dụ về mức phản ứng ở cây trồng? 

Lời giải: 

- Mức phản ứng là giới hạn thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ một gen hay nhóm gen) trước môi trường khác nhau. 

- Ví dụ: Giống lúa DR2 được tạo ra từ dòng tế bào (2n) biến đổi, có thể đạt năng suất tối đa gần 8 tấn/ha/vụ trong điều kiện gieo trồng tốt nhất, chỉ đạt 4,5-5 tấn/ha/vụ trong điều kiện bình thường. 


Bài 3 (trang 73 sgk Sinh học 9): Người ta đã vận dụng những hiểu biết về ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng về mức phản ứng để nâng cao năng suất cây trồng như thế nào? 

Lời giải: 

Vận dụng những hiểu biết do ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng về mức phản ứng để nâng cao năng suất cây trồng. 

- Tạo điều kiện thuận lợi nhất để đạt kiểu hình tối đa (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…). 

- Hạn chế những ảnh hưởng xấu làm giảm năng suất. 

- Áp dụng các kĩ thuật trồng trọt hiện đại, thích hợp với từng loại giống. 

- Thay thế các giống cũ bằng giống mới có tiềm năng năng suất cao hơn, phù hợp với từng điều kiện môi trường khác nhau.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn