Sống sao cho vẹn nghĩa tình, đạo đời thành đạt gia đình yên vui

Khổng Tử nói: “Quân tử hiểu về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu về điều lợi”; “bất nghĩa mà giàu có, đối với ta như phù vân”.

Câu chuyện về Mạnh Thường Quân


Thời Chiến Quốc, nước Tề có bậc tể tướng tên Mạnh Thường Quân rất tốt bụng, sống cực kỳ khoáng đạt với mọi người. Ông cho hơn 300 thực khách ở nhờ trong phủ nhà mình và thậm chí còn cho họ vay tiền khi cần.

Tuy nhiên, khi lượng khách càng ngày càng nhiều nên bắt đầu có dấu hiệu quá tải, không đủ tiền để duy trì. 

Mạnh Thường Quân lo lắng và nhờ một thực khách là Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ giúp mình. Phùng Hoan vui vẻ chấp thuận và hỏi Mạnh Thường Quân: 

- Nếu tôi thu được nợ về tướng công có muốn mua gì về không? 

Mạnh Thường Quân đáp: 

- Ông xem phủ này đang thiếu gì thì mua về cho đủ. 

Phùng Hoan y lệnh, ông một mình đến đất Tiết rồi cho dân ở đây họp lại và nói: 

- Ta có mặt ở đây hôm nay để đến báo một tin mừng đến cho mọi người. Mạnh Thường Quân - ông chủ của ta tuyên bố không ai ở đây phải trả nợ nữa, nên mới sai ta đến để hủy bỏ tất cả những khế ước vay mượn trước đây. 

Phùng Hoan vừa dứt lời, ông mang khế ước ra và xé hết chúng, sau đó đốt trước sự chứng kiến của người dân ở đất Tiết. Thực hiện xong công việc, ông quay trở về báo tin cho Mạnh Thường Quân.



Mạnh Thường Quân hỏi Phùng Hoan khi ông vừa về đến phủ: 

- Ngươi đã thu tiền nợ về rồi đấy à? Vậy đã mua được những gì rồi? 

Phùng Hoan từ tốn đáp lời Mạnh Thường Quân: 

- Thưa tướng quân, tôi đã xem xét kỹ phủ ta đủ đầy ngọc ngà châu báo, không thiếu người xinh dáng đẹp, chuồng cũng đầy ngựa, chó... Nói chung không thiếu một thứ gì cả. Nhưng chữ "nghĩa" thì còn thiếu và hôm nay tôi đã dùng toàn bộ số tiền nợ thu về mua chữ nghĩa cho tướng công rồi. 

Nghe Phùng Hoan trình bày, Mạnh Thường Quân không giấu nổi sự tức giận trong lòng, ông cao giọng: 

 - Vì lo bổng lộc không đủ chi trả cho việc tiếp đãi khách khứa ngày một đông nên mới sai ngươi đi thu nợ. Giờ không có tiền, giấy khế ước cũng bị đốt thì lấy tiền đâu nuôi thực khách? Họ sẽ bỏ đi hết, thế thì làm sao mua được chữ "nghĩa" nào nữa? 

Phùng Hoan đáp: 

- Tướng công chớ lo lắng, người dân trên đất Tiết đã cùng vượt qua không ít thăng trầm cùng ngài, nay tôi đốt bỏ giấy nợ cũng là để họ hiểu rằng tướng công sống tình nghĩa, tiếng thơm sẽ bay xa muôn nơi và giúp ngài thu phục nhân tâm. 

Mạnh Thường Quân nghe xong cũng thấy có lý nên nguôi ngoai, không hỏi thêm nữa.

Ít lâu sau, vì một số tin đồn thất thiệt của bọn cận thần nên Mạnh Thường Quân bị vua Tề thu hồi ấn tướng và đuổi đi. Người dân ở đất Tiết nghe tin, họ nhớ ơn xưa của Mạnh Thường Quân và già trẻ, trai gái cùng nhau đi nghênh tiếp ngài.

Chứng kiến cảnh người dân chào đón mình đông đảo hơn cả ngày mình còn làm quan khiến ông càng xúc động. 

Mạnh Thường Quân cảm kích nói với Phùng Hoan: 

- Giờ thực sự ta mới hiểu việc mua nghĩa trước đây của tiên sinh. 

Bài học: Mạnh Thường Quân cũng giống như chúng ta, theo suy nghĩ thông thường luôn rất xem trọng tiền bạc vì nó mang lại lương thực, chỗ ở, có thể giúp đỡ được nhiều người... nên ta tưởng rằng chúng quan trọng nhất. Cho đến khi lâm nguy, trắng tay rồi ta mới hiểu chữ nghĩa còn cao cả hơn cả tiền bạc. 

Nếu Mạnh Thường Quân trước đây vẫn khư khư muốn giữ tiền bạc và cố gắng đòi nợ bằng mọi giá thì chắc ông chẳng thể lưu tiếng thơm đến tận bây giờ. Bằng chứng là ngày nay, khi ai đó làm việc tốt ta vẫn gọi họ là: Mạnh thường quân - một cụm từ để mô tả về người có lòng trắc ẩn, giúp người không màng việc được báo đáp lại hay không!?

Vậy, phải sống sao cho trọn chữ NGHĨA?


Trong tiếng Hán, chữ NGHĨA được cắt nghĩa như sau: Chữ Nghĩa 義 gồm bộ Dương 羊(con dê), bộ Ngã 我 (cái tôi). Trong đó, Dương (con dê), loài thường sống thành bày đàn, chúng ăn cỏ, sống thuận hòa, lương thiện. Chữ Dương lại đứng trên chữ Ngã mang hàm nghĩa, lợi ích của cá nhân luôn được đặt dưới lợi ích tập thể. Không tranh đấu mà luôn ý thức nhường bước, sẵn sàng chịu thiệt về mình nếu cần.

Các bậc hiền nhân xưa rất coi trọng chữ nghĩa. 

Vì thế Khổng Tử mới nói: “Quân tử hiểu về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu về điều lợi”; “bất nghĩa mà giàu có, đối với ta như phù vân”.

Vậy, phải sống sao cho trọn chữ nghĩa? Người xưa cho rằng, sống vì chữ nghĩa là xem nhẹ vai trò của vật chất so với tinh thần. 

Nhưng trong xã hội hiện nay, với sức ảnh hưởng lớn của truyền thông, chúng ta đang quá ca ngợi đời sống thiên về vật chất. Vậy nên chúng ta tưởng rằng "chữ nghĩa" xem ra không phù hợp với cuộc sống hiện nay. 

Hiện nay không ít bạn trẻ làm giàu nhanh chóng bằng những mánh khóe nhưng càng kiếm nhiều tiền họ lại càng có cảm giác trống rỗng. Chính lúc họ nghĩ rằng mình đủ đầy về tiền bạc là sẽ có mọi thứ thì lại là lúc họ lại thấy thiếu đi thứ gì đó không giải thích nổi. 

Thực tế, họ đã quên đi rằng, chữ nghĩa còn cao cả hơn tiền bạc. Dù tiền bạc hay thân mạng cũng chỉ mang tính tạm thời, có đó rồi mất đó. Dù ta có tham lam tiền bạc bao nhiêu thì khi nhắm mắt xuôi tay cũng không mang đi được.

Nghĩa là thứ vô hình, không hiện hữu như tiền bạc nhưng kim chỉ nam giúp chúng ta đi đúng đường, không trở thành kẻ tiểu nhân trong xã hội này. 

Vậy nên, để sống trọn chữ nghĩa, chúng ta phải thường xuyên soi chiếu tâm mình, chớ nên "thả rông" nó một cách tùy tiện nhưng cũng không quá nghiêm khắc với nó. Tốt hơn hết, ta phải học cách để điều chỉnh nó đi đúng hướng, việc này nhất định không thể xem nhẹ. 

Mỗi cá nhân cần phải ý thức cao hơn trong việc tu dưỡng của bản thân. Khi phẩm hạnh của mọi người được thăng hoa, toàn bộ hoàn cảnh xã hội có thể cải biến trở nên tốt đẹp.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn